Kỹ thuật trồng Cà Tím sạch, năng suất cao

Kỹ thuật trồng Cà Tím sạch, năng suất cao

Ngày đăng: 27/05/2024 03:26 PM

    Cà tím là loại rau ăn trái được trồng khá phổ biến ở các vụ trong năm. Cà tím dễ trồng, năng suất cao và dễ tiêu thụ vì được người tiêu dùng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế từ cây cà tím mang lại cho nông dân không nhỏ. Mặc dù trồng cà tím cho thu nhập cao nhưng nông dân đòi hỏi phải biết quy trình kỹ thuật canh tác và quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn vì cây cà tím dễ bị nhiễm sâu bệnh.

     

    Thời vụ

    Cà tím có thể gieo trồng quanh năm nhưng vụ chính gieo hạt vào tháng 11, 12 thu hoạch vào tháng 3-5. Vụ sớm gieo hạt vào tháng 7, 8 thu hoạch vào tháng 11, 12. Vụ muộn gieo hạt vào tháng 1, 2 và thu hoạch vào tháng 4-5. Mùa mưa nên tránh trồng vào tháng 5, 6 vì thường bị sâu đục trái gây hại nặng.

     

    Đất và mật độ trồng

    Đất trồng thích hợp nhất là đất giàu dinh dưỡng, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt. Lên luống bằng phẳng. Luống rộng 1m – 1,2m, cao 20-30 cm. Hạt được gieo trong liếp ươm, khi cây con đạt 5-6 lá, đem ra trồng. Mật độ trồng 20.000-22.000 cây/ha. Lượng hạt giống cần cho 1.000m2 khoảng 40 - 50gr. 

     

    Bón phân (lượng bón cho 1.000m2)

    Cà tím sinh trưởng tương đối dài ngày nên cần bón nhiều phân, bón đủ phân ngăn ngừa được rụng hoa, rụng quả.

    Lượng phân bón tính cho 1.000m2.

    Phân chuồng hoai mục: 1,5 – 2 tấn.

    Phân Super lân: 35 kg.

    Phân Urea: 20 -25kg.

    Phân KCl: 15-20 kg.

    Vôi bột: 50 kg.

    Bón lót khoảng 2/3 lượng phân chuồng, toàn bộ lượng vôi và phân lân. Có thể dùng phân hữu cơ vi sinh hoặc các loại phân hữu cơ khác để thay thế phân chuồng với lượng bằng 1/3.

    Chia thành 4 thời kỳ bón thúc:

    Lần 1: Bón sau khi trồng 7 ngày, bón 20% đạm và 20% kali, hoà vào nước để tưới, kết hợp xới xáo, vun gốc cho cây.

    Lần 2: Bón vào lúc cây có nụ đến khi có quả, bón 20% đạm và 20% kali,

    Bón cách xa gốc, sau đó tưới rãnh hoặc tưới gốc. Đợt này không nên bón nhiều để hạn chế cây mọc vống, rụng hoa, rụng quả.

    Lần 3: Sau lần 2 từ 7 - 10 ngày, thời kỳ này cần bón nhiều phân, bón 40% lượng đạm và 40% kali có thể bổ sung thêm phân chuồng đã ủ mục.

    Lần 4: Bón vào lúc thu hoạch rộ trở đi, bón lượng đạm và kali còn lại.

    Sau mỗi lần thu hoạch có thể bón thêm phân chuồng hoai mục, để giữ cho cây có hoa liên tục đảm bảo năng suất và kéo dài thời gian cho trái.

     

    Chăm sóc

    - Vun gốc: Thời kỳ đầu khi cây con mới trồng cần thường xuyên xới đất để đất không đóng váng, tăng độ ẩm cho đất, giúp cho bộ rễ phát triển và cây lớn nhanh, nhất là sau khi trồng cây con khoảng 1 tháng thì vun gốc để thúc cho bộ rễ phát triển, tăng cường khả năng giữ nước, chống đổ ngã cho cây.

    - Tỉa lá: Cây cà tím sau khi mọc được 7-9 lá là bắt đầu có trái, lúc đó những nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cần tỉa bỏ bởi những nhánh này phát triển yếu, hoa trái hình thành chậm, các nhánh này thường mọc thẳng đứng làm cho bên trong tán cây rậm rạp, thiếu ánh sáng, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, chỉ để lại một nhánh gần chùm trái thứ nhất. Từ thời kỳ giữa đến cuối thời gian sinh trưởng của cây cà mọc thêm nhiều lá ở phía dưới làm cho cây rậm rạp và thiếu ánh sáng, vì vậy cần tỉa lá kịp thời để bón phân thúc giúp cây ra hoa, đậu thêm nhiều trái.

    - Tưới nước: Sau khi trồng cần tưới nước đậm, bảo đảm đủ ẩm đến khi cây bén rễ hồi xanh. Sử dụng nguồn nước sạch để tưới (nước phù sa dẫn trực tiếp hoặc nước giếng khoan). Không dùng nước ao, tù, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước bị nhiễm bẩn chưa xử lý để tưới. 

    Không trồng liên tục nhiều vụ cà tím trên cùng một chân đất và không được trồng trên đất đã trồng các loại cây như: ớt, cà chua,... nên luân canh với các loại cây họ khác.

     

    Quản lý sâu bệnh

    Dịch hại phổ biến nhất trên cây cà tím là bọ phấn trắngChúng không chỉ chích hút các chất dinh dưỡng của cây mà còn là môi giới truyền bệnh virus. Bọ phấn trắng gây hại nghiêm trọng trên các cây họ cà, họ bầu bí,… Trưởng thành của bọ phấn thoạt nhìn tưởng là bướm nhưng chúng thuộc họ rầy phấn (Aleyrodidae); Bộ cánh đều (Homoptera). Bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 1mm (khoảng bằng hột é), màu vàng nhạt, trên cơ thể phủ một lớp bột màu trắng như phấn, dùng tay quơ nhẹ sẽ thấy chúng bay lên thành từng đám như bụi phấn. Bọ phấn non có màu trắng hơi xanh hình oval, ít bò, thường cố định một chổ bên dưới lá cây chích hút nhựa cây. Bọ trưởng thành thường hay kiếm những lá bánh tẻ đẻ trứng vào mô lá. Bọ phấn trưởng thành hoạt động rất nhanh, thường đậu mặt dưới lá, hoạt động vào sáng sớm và chiều mát.

     

    image

     

     

    Chúng chỉ có thể bay một khoảng cách ngắn nhưng có thể phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió. Bọ phấn thường tấn công vào mùa nóng khô. Cả bọ phấn non và bọ trưởng thành đều chích hút nhựa cây, chủ yếu ở ngọn và các lá non, làm lá biến vàng, khi mật độ cao gây hại nặng chỉ gân lá còn xanh, cây suy yếu, kém phát triển. Bọ phấn non chậm chạp hơn bọ phấn trưởng thành, do đó nếu phát hiện giai đoạn này phun thuốc phòng trừ rất dễ. Bọ phấn trắng gây hại trên cà tím suốt vụ từ khi trồng cho đến khi thu hoạch. Mật số bọ phấn trắng tăng dần từ đầu vụ cho đến cuối vụ trồng. 

     

    Ngoài tác hại trực tiếp là chích hút nhựa, trưởng thành và ấu trùng bọ phấn đều có khả năng truyền bệnh virus (bệnh khảm) và còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Triệu chứng bệnh virus thể hiện trên lá và toàn cây. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng loang lổ, các đốt thân co ngắn, phát triển chậm, trái ít và méo mó. Virus gây bệnh khảm trên cà tím tồn tại trong một số cây hoang dại do bọ trỉ và bọ phấn là côn trùng môi giới lan truyền. Khi phát hiện bệnh virus nên nhổ bỏ, tiêu hủy cây bệnh và phòng trừ côn trùng môi giới.

     

    image

     Triệu chứng bệnh virus trên cà tím.

     

     

    Biện pháp phòng trừ bọ phấn

    Trong tự nhiên bọ phấn trắng có nhiều loài thiên dịch bao gồm các loài nấm kí sinh, ong kí sinh và cả các loài thiên địch ăn thịt, nhất là giai đoạn ấu trùng. Vì thế việc sử dụng thuốc hóa học phải thận trọng, chỉ phun khi thật cần thiết.

    - Luân canh với các cây trồng khác họ cà.

    - Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá phía dưới gốc để vườn cây thông thoáng hạn chế nơi ẩn nấp của bọ phấn.

    - Tiêu hủy các cây khi phát hiện có triệu chứng nhiễm bệnh virus.

    - Có thể sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh Metarhizium anisopliae để phòng trừ bọ phấn trắng.

    - Sử dụng thuốc hóa học khi mật độ bọ phấn cao. Một số thuốc phòng trừ bọ phấn như: Vimatrine 0.6L; Oshin 20WP; Chess 50 WG,...

    Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần chú ý: Bọ phấn trắng nằm ở mặt dưới lá nên khi phun thuốc phải phun kỹ mặt dưới để thuốc tiếp xúc với bọ phấn thì mới đạt hiệu quả cao. Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm khi bọ phấn ở giai đoạn non ít di chuyển sẽ dễ nhiễm thuốc.

    * Thời gian cà cho trái nhiều nhất là giai đoạn khoảng 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, giai đoạn này cà rất dễ bị sâu đục trái gây hại.

     

    image

     

    image

     Trái cà bị sâu đục trái gây hại.

     

     

     Sâu đục trái cà tím có tên khoa học là Leucinodes orbonalis, thuộc bộ Cánh vẩy Lepidoptera, họ Ngài sáng Pyralidae. Bướm đẻ trứng từng cụm ở mặt dưới lá, trên nụ hoa hoặc trái non. Mỗi con cái có thể đẻ vài chục trứng. Sâu non tuổi nhỏ màu trắng ngà, sau chuyển màu hồng nhạt, đẩy sức dài 15-18mm. Thời gian sâu non 15-20 ngày. Bướm hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn trong đám lá, bụi cỏ. Sâu không chỉ gây hại trên trái mà còn tấn công cả đọt non. Sâu non sau khi nở vài ngày mới đục vào ngọn hoặc trái. Sâu đục vào ngọn làm ngọn bị héo. Trên trái, sâu đục vào bên trong để lại một lổ đục nhỏ. Những trái bị sâu gây hại, ruột trái bị rỗng do sâu ăn hết thịt và trái chứa đầy phân của sâu, trái bị hư một phần hoặc toàn bộ trái. Đôi khi sâu non cũng đục vào cuống trái làm trái không lớn hoặc bị héo. Trái bị sâu hại nếu gặp mưa dễ bị thối do chỗ đục bị bội nhiễm vi sinh vật. Sâu gây hại trên ngọn, trên cuống trái hay trên trái đều để lại lổ đục rất dễ phát hiện. Sâu hóa nhộng trong thân, trái bị hại hoặc trong đám lá rụng. Sâu thường gây hại nhiều trong mùa mưa, nhất là vào thời kỳ có mưa lớn, ẩm độ không khí cao.

     

    Biện pháp phòng trừ sâu đục trái cà tím

    - Thăm ruộng thường xuyên, phát hiện cành non hoặc trái bị sâu hại nên ngắt bỏ các đọt non và trái bị sâu đục để tiêu diệt sâu trong trái làm giảm sự lây lan của sâu.

    - Vệ sinh ruộng cà cho thông thoáng, dọn sạch cỏ dại quanh ruộng để hạn chế bướm đẻ trứng.

    - Thăm ruộng cà thường xuyên để phát hiện sâu đục trái mới xuất hiện trong ruộng thì việc phòng trừ mới đạt hiệu quả cao. Khi cà tím bị sâu đục trái gây hại thì phun các loại thuốc sinh học như: chế phẩm virut NPV, Map-Biti, Biocin 16WP, nhóm thuốc thảo mộc Vineem 1500EC hoặc Success 25SC. Phun thuốc khi sâu non vừa mới nở chưa chui vào trong trái sẽ có hiệu quả hơn. Sâu đục trái và bọ phấn trắng là loại sâu rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên nhằm hạn chế sự kháng thuốc.

    Cà tím là loại rau được thu hoạch liên tục nên quản lý sâu bệnh bằng biện pháp tổng hợp, cả biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học, khi sử dụng thuốc nên ưu tiên chọn những loại thuốc sinh học. Tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly để an toàn sức khỏe người tiêu dùng.